Tin tức
Bàn sửa đổi Luật Đất đai, mong chặn “liên minh trong bóng tối”
(10/10/2012)

Hôm qua (9/10), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều đại biểu có mặt tại đây nhất trí, cần hoàn thiện Luật Đất đai để phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa

"Bịt kín" những kẽ hở

Bên cạnh việc khẳng định những tác động tích cực của Luật Đất đai năm 2003 sau 10 năm triển khai đối với phát triển kinh tế và sự trưởng thành của các DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng nêu lên những trở ngại trong một số quy định của Luật, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN: giá đất quá cao hạn chế tiếp cận mặt bằng kinh doanh, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa; sự phức tạp, chồng chéo, không ổn định của Luật; các thủ tục hành chính về đất đai chưa minh bạch, phiền hà; quá trình giải phóng mặt bằng kéo dài… khiến DN mất cơ hội kinh doanh, đẩy chi phí của nhà đầu tư lên cao…

Cũng theo ông Lộc, kết quả điều tra 10.000 DN trong cả nước của VCCI cho thấy, 30% DN phản ánh đang gặp khó khăn liên quan đến đất đai. Do vậy, cộng đồng DN kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết các bức xúc của cuộc sống, tạo tiềm năng cho DN mở rộng sản xuất kinh doanh để phát triển.

Chia sẻ với ông Lộc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển thừa nhận một số tồn tại trong quá trình thực thi Luật Đất đai 2003. Đáng chú ý, có sự phân biệt nhất định trong tiếp cận đất đai giữa DN trong nước với DN nước ngoài và bất cập trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài thời hạn giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam Đặng Hùng Võ thì cho rằng, quá trình chuyển dịch sang đất phi nông nghiệp chứa đựng nguy cơ tham nhũng. Ông Võ phân tích: Trước đây, để có đất cho dự án phi nông nghiệp, người bị thu hồi đất được bồi thường rất thấp, DN “vào cửa” cơ quan hành chính rất phức tạp nên nhiều DN đã nhận chuyển nhượng “chui”. Khi Luật Đất đai 2003 được ban hành cho phép nhận chuyển nhượng, tạo cơ sở cho cơ chế thỏa thuận thì lập tức bị “tắc” do một số người đang sử dụng đất quá tham, đòi giá đất cao khiến cho cơ chế này bị tê liệt dù rất văn minh.

Ngăn chặn “liên minh trong bóng tối”

Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty tư vấn VFAM Việt Nam Vũ Xuân Tiền thẳng thắn: Việc xác định giá đất quy định trong Luật Đất đai hiện hành thiếu thống nhất, thiếu minh bạch, tự mâu thuẫn, tạo ra sự chênh lệch rất lớn khi chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hình thành những “liên minh trong bóng tối” giữa một số công chức, quan chức thoái hóa, biến chất với một số DN kinh doanh bất động sản nhằm chia nhau phần địa tô chênh lệch.

Vì vậy, Dự thảo Luật sửa đổi cần thay thế việc thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. “Khi trưng mua quyền sử dụng đất, Nhà nước vẫn có quyền quyết định giá đất song không sử dụng khung giá đất do Nhà nước quy định để thanh toán tiền trưng mua” - ông Tiền kiến nghị.

“Có khung giá đất của Nhà nước hay không không quan trọng, mà điều quan trọng là khung giá đất phải phù hợp với thị trường và phải xem giá đất Nhà nước áp dụng vào đâu” là quan điểm của ông Đặng Hùng Võ vì khung giá Nhà nước luôn thấp hơn giá thị trường, kể cả ở những vùng lãnh thổ, quốc gia quan tâm đến giá đất như Đài Loan thì giá đất của nhà nước cũng chỉ đạt 70% - 80% giá thị trường. Ông Võ đề nghị, cần khoanh lại phạm vi áp dụng khung giá đất, giá đất Nhà nước không thể áp dụng vào những trường hợp gây thiệt hại cho người sử dụng đất.

LS. Phạm Thụy Anh  - Cty Luật TNHH Vilaf-  nhận định, luật hiện hành  quy định giá đất bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng phải sát với giá thị trường hoặc phù hợp với giá thị trường; tuy nhiên, lại không có tiêu chí để xác định thế nào là giá thị trường. Điều đó dẫn đến việc giải thích và áp dụng tùy tiện, gây khó khăn cho quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, thiệt hại cho cả nhà đầu tư và người sử dụng đất có đất.

Ông Thụy Anh đề xuất: Để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi cũng như bảo đảm việc đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện thuận lợi, cần đưa ra một cơ chế xác định giá thị trường như mời công ty thẩm định giá hoặc dựa trên giá chuyển nhượng của cùng loại đất, cùng vị trí trong một khoảng thời gian xác định…Việc xác định giá đất quy định trong Luật Đất đai hiện hành thiếu thống nhất, thiếu minh bạch, tự mâu thuẫn, tạo ra sự chênh lệch rất lớn khi chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hình thành những “liên minh trong bóng tối” giữa một số công chức, quan chức thoái hóa, biến chất với một số DN kinh doanh bất động sản nhằm chia nhau phần địa tô chênh lệch.

Hoàng Thư - phapluatvn.vn

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet